Chủ Nhật, 9 tháng 6, 2013
Tăng cường quản lý tàu, thuyền du lịch trên sông Hàn
Các đợt kiểm tra đột xuất về đảm bảo an toàn đối với các tàu, thuyền hoạt động vận tải phục vụ du lịch Đà Nẵng, cho thấy nhiều sai sót trong thực hiện các quy định về an toàn, thủ tục hoạt động. Bên cạnh đó, công tác quản lý của các cơ quan chức năng còn nhiều bất cập.
Trong ngày 12 và 16/04 vừa qua, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch (VH-TT&DL) thành phố Đà Nẵng đã chủ trì phối hợp với các đơn vị: Sở Giao thông vận tải (GTVT), Phòng Cảnh sát giao thông, Cảng vụ Hàng hải Đà Nẵng, BCH Bộ đội Biên phòng thành phố… kiểm tra 12 phương tiện của 7 doanh nghiệp (DN), cá nhân hoạt động vận tải khách du lịch trên địa bàn thành phố Đà Nẵng.
Sai sót cần khắc phục
Theo Sở VH-TT&DL, hiện nay, đa số tàu, thuyền du lịch Đà Nẵng là các tàu đánh bắt cá có công suất từ 15-30CV được hoán đổi công năng, sửa chữa, làm mới thành tàu du lịch. Mỗi tàu có sức chứa 12-25 hành khách (riêng tàu du lịch Sông Hàn có sức chứa 250 hành khách).
Tại thời điểm kiểm tra, về cơ bản, các DN đều có giấy phép kinh doanh; giấy chứng nhận an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường; giấy đăng ký phương tiện thủy nội địa còn hiệu lực; trang thiết bị cứu hộ, cứu nạn, áo phao, bình chữa cháy đảm bảo... Song, còn một số tàu của DN Minh Trần, Hàn Giang… tuy có bình chữa cháy nhưng đã hết hạn sử dụng, không đảm bảo yêu cầu. Hầu hết các tàu đều không có bảng hướng dẫn nội quy an toàn cho du khách khi lên tàu. Riêng tàu Minh Trần 2 là tàu cá, chưa có giấy phép, chưa đủ điều kiện chở khách và cũng chưa có giấy chứng nhận an toàn; tàu Minh Trần 1 còn chờ bổ sung chứng nhận an toàn; tàu Sông Hàn đã hết hạn đăng kiểm và cũng đang chờ cấp lại…
Riêng tàu du lịch Sông Hàn (ảnh) có sức chứa 250 hành khách. Còn các tàu, thuyền du lịch ở Đà Nẵng chủ yếu là các tàu nhỏ, với sức chứa từ 12-25 hành khách mỗi tàu.
Về chuyên môn, qua kiểm tra, có 10/12 tàu có thuyền trưởng; đa số người điều khiển phương tiện đã qua các lớp đào tạo và có bằng thuyền trưởng (nghề cá), một số có chứng chỉ chuyên môn điều khiển phương tiện thủy nội địa. Tuy nhiên, theo quy định, bằng thuyền trưởng nghề cá không phù hợp để điều khiển tàu chở khách. Bên cạnh đó, một vài trường hợp như ở du thuyền Táo Đỏ và tàu du lịch Sông Hàn, mặc dù đã có chứng chỉ, bằng cấp thuyền trưởng, song lại chưa phù hợp với công suất của phương tiện…
Đối với nhân viên phục vụ trên các tàu du lịch, mới chỉ có 2/12 tàu, nhân viên được đào tạo qua lớp nghiệp vụ du lịch cơ bản; các tàu khác, đa số là ngư dân và một số người chưa qua các lớp bồi dưỡng chuyên môn, kiến thức về phục vụ du lịch.
Tồn tại lớn hiện nay là thành phố hiện mới chỉ có duy nhất 1 tàu Tiên Sa có bến đậu đón, trả khách tại khu vực bến Đò Xu (cũ), các tàu còn lại phải neo đậu hai bên bờ sông Hàn. Mặc dù mới đây, UBND thành phố Đà Nẵng đã đồng ý cho phép sử dụng 8 điểm tạm thời làm bến neo đậu cho tàu, thuyền du lịch, song còn có nhiều bất cập như: nhiều nơi không có lối lên xuống tàu (dọc đường Bạch Đằng); nơi có cầu tàu (cảng Thuận Phước) thì lại quá cao... Do đó, một số đơn vị (tàu Minh Trần 1 và 2, tàu Hoàng Long Yến) phải kê tạm thang bắc qua lan can đường Bạch Đằng để đón khách, vừa nguy hiểm cho hành khách khi lên tàu vừa gây mất mỹ quan đô thị.
Trao đổi với chúng tôi, đại diện một số tàu du lịch xác nhận có những sai sót kể trên. Tuy nhiên, đến thời điểm hiện tại, các DN đã bổ sung đầy đủ các trang thiết bị, thủ tục cần thiết... để đảm bảo đủ điều kiện vận tải khách du lịch dịp hè này.
"Tất cả quy định để đảm bảo chở khách, tàu chúng tôi hiện đã bổ sung đầy đủ. Riêng chiếc tàu chưa được cấp phép, chúng tôi sẽ không đưa vào sử dụng mà sẽ đem bán", ông Trần Văn Minh (chủ tàu du lịch Minh Trần) cho hay.
Ông Nguyễn Quốc Duy, Giám đốc điều hành tàu du lịch Sông Hàn cũng khẳng định, đến nay, đơn vị đã bổ sung đầy đủ các trang thiết bị về cứu hộ, cứu nạn, phòng cháy chữa cháy... và đặc biệt là đã gia hạn thời hạn đăng kiểm theo đúng quy định. Tuy nhiên, vấn đề nan giải nhất hiện nay chính là việc thiếu một bến neo đậu tập trung, khiến việc phát triển du lịch đường sông ở Đà Nẵng còn kém hiệu quả cho dù lợi thế không ít. "Bên cạnh đó, ngoài việc mong muốn hỗ trợ trong công tác đào tạo nâng cấp bằng thuyền trưởng, thì việc mở các lớp đào tạo về phương án cứu hộ, cứu nạn hay về nghiệp vụ du lịch cho nhân viên phục vụ trên các tàu là rất cần thiết", ông Duy bày tỏ.
Tăng cường quản lý
Bất cập thì còn nhiều, song tới đây, hoạt động vận tải khách du lịch bằng phương tiện thủy nội địa tại Đà Nẵng hy vọng sẽ cơ bản đi vào nền nếp hơn, khi vừa qua, UBND thành phố nghiêm cấm tàu, thuyền chưa bảo đảm an toàn không được đưa vào hoạt động khai thác phục vụ du lịch trong dịp hè năm nay.
Do chưa có bến đỗ tập trung nên các tàu du lịch đều phải neo tạm dọc ven bờ sông Hàn. Lối lên xuống tàu thường được các đơn vị kê tạm thang bắc qua lan can để đón khách, vừa nguy hiểm lại vừa gây mất mỹ quan đô thị.
UBND thành phố cũng đã giao Sở Xây dựng chủ trì, phối hợp với Sở VH-TT&DL, Viện Quy hoạch xây dựng cùng các đơn vị liên quan kiểm tra, đề xuất các kiến nghị cho phép chỉnh trang và tập kết tàu du lịch neo đậu tại Cảng Đà Nẵng.
Sở GTVT chủ trì phối hợp với các đơn vị kiểm tra hoạt động đón trả khách của các đơn vị khai thác, kinh doanh du lịch đường thủy, nghiêm cấm tình trạng bắc cầu thang qua lan can để đón khách nhằm bảo đảm an toàn cho du khách và mỹ quan môi trường du lịch… Nghiên cứu tổ chức lớp tổ chức lớp đào tạo chuyển đổi bằng thuyền trưởng nghề cá và các chứng chỉ chuyên môn về vận tải khách đường thủy nội địa cho các thuyền trưởng, thuyền viên để đảm bảo theo đúng quy định.
Đồng thời, các đơn vị chức năng liên quan khác cũng sẽ cùng vào cuộc nhằm phối hợp một cách đồng bộ để đảm bảo an toàn cho người và phương tiện trên sông.
Tuy vậy, theo Sở VH-TT&DL, trong công tác quản lý hoạt động của các tàu, thuyền du lịch trên sông còn sự chồng chéo, chưa phân cấp rõ ràng giữa một số đơn vị chức năng như Sở VH-TT&DL; Cảnh sát đường thủy; Cảng vụ Đà Nẵng, BCH Bộ đội Biên phòng thành phố… Cùng với đó, công tác thanh tra, kiểm tra của các cơ quan quản lý Nhà nước chưa được chú trọng thường xuyên nên khi kiểm tra thực tế, nhiều tàu đã hết hạn đăng kiểm, hoặc tàu cá chưa đáp ứng đầy đủ điều kiện đảm bảo an toàn nhưng vẫn công khai phục vụ khách.
Về vấn đề an toàn cho khách trên tàu du lịch, theo trung tá Đặng Hữu Tài, Đội trưởng Đội CSGT đường thủy, Công an thành phố Đà Nẵng, thời gian tới, Đội sẽ tiếp tục tổ chức lực lượng tuần tra, hướng dẫn các tàu thuyền về việc tuân thủ các quy định của luật giao thông đường thủy nội địa, phân luồng giao thông cho tàu, thuyền khi qua lại các khu vực cầu.
Còn theo ông Bùi Ngọc Sơn, Phó Chánh Thanh tra Sở GTVT, đơn vị này sẽ tăng cường hơn nữa công tác hậu kiểm đối với yêu cầu về bằng thuyền trưởng, đăng kiểm… của các tàu, sau đó sẽ có báo cáo cụ thể với UBND thành phố.
“Bên cạnh tăng cường công tác tuyên truyền về vấn đề đảm bảo an toàn giao thông đối với các tàu, thuyền du lịch, chúng tôi cũng sẽ có hình thức xử lý cụ thể, nhất là với các đơn vị để xảy ra sai phạm như: tàu thuyền chưa đủ điều kiện hoạt động; chở quá lượng khách quy định…”, ông Sơn nói.
Với sự vào cuộc mạnh mẽ, đồng bộ và có trách nhiệm của các cơ quan chức năng, đặc biệt là việc đẩy mạnh công tác tuyên truyền cho các đơn vị tàu du lịch để họ tự giác chấp hành tốt các quy định về đảm bảo an toàn, hy vọng thời gian tới, hoạt động du lịch bằng tàu, thuyền ở Đà Nẵng sẽ đi vào nền nếp, từ đó tạo ra một sự khởi sắc, một sản phẩm du lịch đường sông độc đáo, hấp dẫn, thu hút du khách.
Bài và ảnh: Mai Thanh
0 nhận xét:
Đăng nhận xét