Thứ Sáu, 24 tháng 5, 2013

Những dịch vụ "ăn theo" mùa biển

Đà Nẵng đang trải qua những ngày oi bức đầu tiên của mùa hè. Để tránh nóng, rất đông người dân Đà Nẵng chọn giải pháp ra biển “giải nhiệt”, trong khi khách du lịch cũng đổ về đây để chiêm ngưỡng một trong sáu bãi biển đẹp nhất hành tinh. Các dịch vụ “ăn theo” mùa biển vì thế được dịp “nở rộ”.

Ban Quản lý (BQL) bán đảo Sơn Trà và các bãi biển du lịch Đà Nẵng cho biết, khác với Nha Trang và Vũng Tàu - nơi hoạt động du lịch diễn ra quanh năm, tại Đà Nẵng, những tháng hè mới thực sự là cao điểm của mùa du lịch. Đây cũng là cơ hội để một số hộ dân trên địa bàn thành phố kiếm thêm thu nhập từ việc kinh doanh các dịch vụ trên bờ cũng như dưới bãi biển.

Phong phú thị trường đồ bơi. Ảnh: Q.T

Nhộn nhịp các dịch vụ trên bờ…


Những ngày này, rất đông người dân và du khách từ khắp nơi đổ về khu vực biển dọc tuyến đường Hoàng Sa - Trường Sa, kéo theo đó là các dịch vụ "thời vụ" như: giữ xe, bán quần áo bơi, hàng rong bán đồ ăn, thức uống…

Mặc dù BQL bán đảo Sơn Trà và các bãi biển du lịch Đà Nẵng đã quy hoạch các bãi giữ xe cố định, thế nhưng vào những tháng du lịch cao điểm này, một số hộ dân sống dọc tuyến đường Hoàng Sa vẫn “tranh thủ” khoảng sân rộng trước nhà hay vỉa hè, những lô đất trống… để giữ xe. “Hiện các bãi giữ xe được quy hoạch đã trở nên quá tải nên việc này phần nào giải quyết được lượng xe đổ về biển mỗi buổi chiều. Về phía BQL, chúng tôi vẫn thường xuyên kiểm tra để tránh tình trạng lấn chiếm lòng đường cũng như nâng giá giữ xe của các hộ trên”, ông Nguyễn Đức Vũ, Trưởng phòng Truyền thông-Sự kiện, BQL bán đảo Sơn Trà và các bãi biển du lịch Đà Nẵng cho biết.

Cùng với việc “nở rộ” các điểm giữ xe, dọc đường Nguyễn Văn Thoại (quận Sơn Trà), các cửa hàng quần áo, hay nhà sách tranh thủ kinh doanh thêm mặc hàng đồ bơi để phục vụ người dân và du khách. Chị Ngọc Thắm, chủ cửa hàng Chít Shop, đường Nguyễn Văn Thoại nói: “Shop của tôi trước nay bán quần áo nữ, vào mùa hè, tôi bán thêm đồ bơi người lớn, kính, mũ, phao bơi cho trẻ em để phong phú thêm nguồn hàng, phục vụ khách du lịch”.

Ngoài những dịch vụ được chính quyền quản lý, hiện vẫn tồn tại tình trạng buôn bán hàng rong dọc tuyến đường biển, gây mất trật tự cũng như không đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm. Mỗi ngày, những xe hàng rong vẫn ngang nhiên “tập kết” tại khu vực đường Nguyễn Văn Thoại, Hoàng Sa, Phạm Văn Đồng… dù BQL bán đảo Sơn Trà và các bãi biển du lịch Đà Nẵng cùng Đội Quy tắc đô thị quận Sơn Trà đã nỗ lực dẹp bỏ.

Những xe bán hàng rong dọc đường xuống biển T20. Ảnh: Q.T


Theo ông Nguyễn Văn Quang, Đội trưởng Đội Y tế dự phòng quận Sơn Trà, rất khó giám sát điều kiện an toàn vệ sinh thực phẩm của những người bán hàng rong. Một phần vì lực lượng mỏng, một phần vì họ không có giấy phép kinh doanh, chỉ nổi lên vào những ngày hè. Đuổi chỗ này họ chạy chỗ khác, hôm nay đuổi thì hôm sau lại bán, khó kiểm soát.

Cùng nhận định với ông Quang, bà Đỗ Thị Thu Hà, chuyên trách về an toàn vệ sinh thực phẩm phường Phước Mỹ (quận Sơn Trà) cho biết: “Những người bán hàng rong không ở trong danh sách quản lý vì họ ở nhiều nơi đến. Trong phạm vi hoạt động, chúng tôi cũng thường xuyên đến nhắc nhở về vệ sinh an toàn thực phẩm, vệ sinh môi trường nhưng thực sự rất khó. Sắp tới, Đội Y tế của 2 phường Phước Mỹ và An Hải Đông phải hợp tác với nhau thì may ra mới giải quyết được vấn đề này”.

Phong phú các dịch vụ dưới bãi biển


Trên bờ là vậy, dưới bãi biển, các dịch vụ phục vụ người dân và du khách cũng “tấp nập” không kém, như: chụp ảnh, bán diều, thuê phao, thuê dù, ghế, bán nước giải khát...

Chụp ảnh hiện là một trong những dịch vụ phổ biến tại các bãi biển du lịch ở Đà Nẵng. Thợ chụp ảnh vào mùa này cũng nhiều “như nấm sau mưa” bởi lẽ du khách đến đây đều muốn lưu lại khoảnh khắc đẹp trên biển. Cũng vì lẽ đó, BQL có biện pháp kiểm soát đội ngũ này bằng cách bất cứ thợ nào muốn làm việc trên bãi biển đều phải đăng ký với BQL để được cấp thẻ hành nghề. Biện pháp này đã giải quyết được tình trạng “chặt chém” giá, làm phiền du khách.

Bên cạnh đó, mùa hè là mùa lý tưởng để chơi diều nên các xe bán diều, được sự cho phép của BQL, đã xuống bãi biển bán phục vụ cho nhu cầu của du khách. Những con diều bay phấp phới trên bầu trời đã phần nào đem lại hình ảnh đẹp cho bãi biển Đà Nẵng.

Ngoài ra, dưới bãi biển, rất nhiều quầy cho thuê bàn ghế, phao, dù và bán nước giải khát nhưng không gây ra tình trạng xô bồ, chèo kéo, “chặt chém” khách. Đó là nỗ lực của BQL bán đảo Sơn Trà và các bãi biển du lịch Đà Nẵng khi yêu cầu các hộ kinh doanh ký cam kết với BQL về đảm bảo vệ sinh môi trường, an toàn vệ sinh thực phẩm, niêm yết giá nhằm tránh tình trạng nâng cao giá giữa khách du lịch so với người dân địa phương.

Thời điểm vào hè cũng là lúc người dân và du khách tập trung đông đúc về khu vực biển. Do vậy, để thu hút khách du lịch đến với các bãi biển ở Đà Nẵng, thiết nghĩ, các cơ quan chức năng cần có những biện pháp cụ thể nhằm kiểm soát các dịch vụ nói trên, tạo môi trường du lịch thân thiện, văn minh, lịch sự trong mắt du khách trong và ngoài nước.

Thứ Năm, 23 tháng 5, 2013

Hỗ trợ, bảo vệ tối đa du khách đến Đà Nẵng du lịch

00:02 By

Khi khách đến du lịch Đà Nẵng mà gặp trở ngại từ chuyện ăn uống, chỗ ở, bị "chặt chém"… sẽ được hỗ trợ và bảo vệ tối đa.

Ngày 15/5, 6 cơ quan, đơn vị gồm Trung tâm hỗ trợ du khách, Phòng Cảnh sát trật tự PC64B, Trung tâm Cấp cứu 115, Chi cục Quản lý thị trường, Thanh tra Sở GTVT và Trung tâm an ninh hàng không Đà Nẵng đã tham gia ký kết quy chế này.

6 cơ quan ký kết quy chế bảo vệ du khách

Các cơ quan này sẽ phối hợp từ khi khách đến du lịch Đà Nẵng bước chân xuống sân bay quốc tế Đà Nẵng hoặc đi theo tour của các công ty du lịch tổ chức.

Nhiệm vụ của các cơ quan này là cung cấp thông tin, tư vấn về du lịch Đà Nẵng về khách sạn Đà Nẵng, giải trí, ăn uống… cho du khách; phục vụ ấn phẩm, hỗ trợ du khách trong những trường hợp cần trợ giúp khẩn cấp như tai nạn, mất trộm, dịch vụ kém chất lượng, chèo kéo, chặt chém du khách…

Ngoài ra, theo lãnh đạo Sở VH-TT&DL TP Đà Nẵng, mục đích hoạt động của các đơn vị này là để đảm bảo du khách có thông tin và được tiếp cận với toàn bộ dịch vụ du lịch giải trí tại Đà Nẵng; giới thiệu và nhân rộng các dịch vụ du lịch chất lượng tốt; ghi nhận ý kiến và cải thiện các dịch vụ chưa đạt chuẩn, hạn chế các hiện tượng tiêu cực trong hoạt động du lịch; xây dựng môi trường du lịch an toàn, thân thiện với du khách; quảng bá hình ảnh thành phố Đà Nẵng…

Nhiệm vụ cụ thể: Trung tâm Cấp cứu 115 có trách nhiệm tiếp nhận thông tin từ Trung tâm hỗ trợ du khách, điều phối kịp thời đội cấp cứu để xử lý các trường hợp tai nạn, cấp cứu du khách tại Đà Nẵng. Tích cực cấp cứu người bị nạn, đảm bảo việc cấp cứu ban đầu cho người bị nạn trước khi chuyển về các bệnh viện, trung tâm y tế.

Phòng Cảnh sát Trật tự PC64B có trách nhiệm tiếp nhận thông tin từ Trung tâm hỗ trợ du khách về các trường hợp như tai nạn, trộm cắp, bu bám chèo kéo, các vấn đề gây mất an ninh trật tự liên quan đến du khách. Đóng vai trò đầu mối, hỗ trợ việc thông tin và điều phối các đơn vị liên quan như cảnh sát cơ động; đội chống chèo kéo cấp quận, huyện; công an phường… để xử lý tình huống.

Bên cạnh đó, kịp thời có mặt tại hiện trường để xử lý các đối tượng gây rối trật tự công cộng, xử lý đúng pháp luật các tình huống xảy ra, đảm bảo an toàn cho du khách khi đến du lịch tại Đà Nẵng.

Quầy thông tin được đặt tại sân bay quốc tế Đà Nẵng để phục vụ du khách

Trung tâm an ninh hàng không Đà Nẵng sẽ tiếp nhận thông tin từ Trung tâm hỗ trợ du khách về các vấn đề an ninh tại sân bay và kịp thời hỗ trợ, đảm bảo an toàn cho du khách cũng như môi trường du lịch văn minh của thành phố trong khu vực Sân bay Quốc tế Đà Nẵng

Chi cục Quản lý thị trường có trách nhiệm ghi nhận phản ánh của Trung tâm hỗ trợ du khách về các đơn vị kinh doanh có biểu hiện gian lận, sai phạm như kinh doanh hàng nhập lậu, hàng cấm, hàng giả, hàng kém chất lượng, không đảm bảo về đo lường… để có biện pháp cảnh cáo, xử phạt nhằm chấn chỉnh các đơn vị kinh doanh phục vụ du khách…

Thanh tra Sở VH-TT&DL có trách nhiệm ghi nhận phản ánh của Trung tâm hỗ trợ du khách về các đơn vị kinh doanh lữ hành, lưu trú về chất lượng dịch vụ, giá cả để kịp thời chấn chỉnh, góp phần xây dựng môi trường du lịch văn minh, thân thiện.

Cử đội thanh tra gần nhất để tiếp nhận xử lý trực tiếp các vụ việc đang xảy ra đối với du khách khi nhận được thông báo và yêu cầu hỗ trợ từ Trung tâm hỗ trợ du khách.

Thanh tra Sở GTVT sẽ tiếp nhận phản ánh và yêu cầu hỗ trợ của Trung tâm hỗ trợ du khách về vấn đề trật tự giao thông, chất lượng hoạt động, giá cả của các loại phương tiện vận tải công cộng để kịp thời xử lý. Cử đội thanh tra gần nhất để tiếp nhận xử lý kịp thời và liêm minh các vụ việc đang xảy ra đối với du khách.

Lãnh đạo Sở VH-TT&DL TP Đà Nẵng cũng nhìn nhận đây là mô hình mới mẻ trong cả nước nên cần sự đóng góp của du khách, người dân cùng các ban ngành hữu quan để hoàn thiện; mục đích là đem lại sự hài lòng và thoải mái cho du khách khi đến Đà Nẵng du lịch.

Phó Giám đốc Sở VH-TT&DL Đà Nẵng – ông Trần Chí Cường phát biểu: Đây là hoạt động góp phần xây dựng Đà Nẵng thật sự an toàn, thân thiện, là thành phố đáng sống trong lòng du khách gần xa…

Công Bính

Thứ Tư, 22 tháng 5, 2013

Du lịch hè Đà Nẵng 2013: Giảm giá để hút khách

Bắt đầu vào mùa du lịch hè Đà Nẵng, nhu cầu du lịch của người dân lại tăng cao, nhất là thời điểm hiện nay, các công ty du lịch ở Đà Nẵng đang thực hiện chương trình kích cầu có nhiều ưu đãi...

Thị trường du lịch hè năm nay hứa hẹn sẽ sôi động hơn năm ngoái.
Giảm giá sâu

Đến một công ty du lịch tại Đà Nẵng tìm thông tin du lịch hè cho gia đình, chị Lan Anh rất bất ngờ với bảng giá mới của tour nội địa giảm tới 30% so với giá tour ngày thường. Trong rất nhiều chương trình du lịch thiết kế đặc biệt cho dịp hè 2013 như “Hành trình di sản”, “Thiên đường miền Trung”, “Đà Thành tứ trấn”…, nhiều tour có mức giá rất bình dân, phù hợp với túi tiền của du khách.

Không chỉ riêng các công ty lữ hành giảm giá sâu cho tour du lịch mùa hè… mà các hãng hàng không, nhà hàng, dịch vụ lưu trú cũng cam kết giảm giá khoảng 30% cho tất cả sản phẩm du lịch. Vietnam Airlines (VNA) với chương trình “Chào hè 2013” giảm giá vé dành cho khách đi từ Hà Nội đến Đà Nẵng, cũng như từ Đà Nẵng đi các tỉnh, thành khác tới 50%. Giá phòng, dịch vụ ăn uống, sản phẩm lưu niệm… cũng thực hiện chương trình giảm giá từ 20-30% so với dịp đầu năm. Một Giám đốc của 1 công ty Du lịch Đà Nẵng , cho biết: “Tour trong nước trọn gói đồng loạt giảm giá là do hàng không Việt Nam giảm giá vé máy bay từ 30 - 50% đối với khách đoàn trên 10 người. Đây được coi là chương trình kích cầu du lịch lớn nhất trong năm nay và sẽ kéo dài suốt mùa hè 2013”.

Năm nay nhờ chương trình hợp tác kích cầu giữa doanh nghiệp lữ hành với các hãng hàng không, các nhà hàng, khách sạn… du khách mua tour du lịch trọn gói nội địa có cơ hội lựa chọn giảm giá, cao nhất là tuyến đi miền Trung, miền Bắc. Một giám đốc của Công ty lữ hành Đà Nẵng cho biết: “Liên kết nhằm kích cầu du lịch là hoạt động thiết thực trong thời điểm này nhằm tạo những sản phẩm du lịch có chất lượng, giá cả tốt, góp phần thúc đẩy thị trường du lịch Đà Nẵng tăng trưởng ổn định”. Ông cũng dự đoán với tính liên kết chặt chẽ trong kích cầu du lịch thì thị trường hè năm nay sẽ có tín hiệu tốt, tăng khoảng 5-10% so với cùng kỳ năm 2012.

Đặt tour mới có lợi

Mùa hè là mùa du lịch cao điểm nên nhiều người đổ xô đi “săn” tour giá rẻ. Tuy nhiên với nhu cầu du lịch tăng cao trong dịp hè, những khách hàng đặt tour sớm mới được hưởng lợi từ chương trình giảm giá. “Chương trình kích cầu du lịch dịp hè năm nay được triển khai rất sôi động. Khách hàng quan tâm đến chương trình này từ khoảng mấy tháng trước. 

Tuy nhiên, muốn được hưởng ưu đãi này thì du khách phải đăng ký sớm, ít nhất trước ngày khởi hành 1 tháng. Những khách đặt vé trễ hơn thời điểm này phải chịu một mức giá khác, thường cao hơn vài chục phần trăm tổng chi phí. 
 
“Trong bối cảnh kinh tế khó khăn, với chương trình khuyến mãi này, người dân có thể chọn cho mình những chương trình du lịch hấp dẫn với giá hợp hầu bao mà chất lượng khách sạn, dịch vụ nhà hàng… vẫn bảo đảm như ở các tour thường”
 
Sưu tầm

Trăm nữ sinh mặc bikini 'đốt cháy' biển Đà Nẵng

Chương trình này được thực hiện bởi mục đích khởi động cho mùa du lịch biển Đà Nẵng, hòa vào không khí lễ hội pháo hoa quốc tế 2013. Đặc biệt, đây là hoạt động cổ động, tuyên truyền ý thức người dân và du khách mặc trang phục áo tắm khi đến tắm biển tại các bãi biển du lịch Đà Nẵng, xây dựng hình ảnh biển Đà Nẵng “an toàn, văn minh, hấp dẫn”.

Vào 16h, hàng trăm bạn trẻ đã diện đồ nóng bỏng và cùng nhau nhảy múa trên bãi biển. Sự kiện này thu hút đông đảo người đến xem và cổ vũ nhiệt tình.

Dưới đây là hình ảnh hoạt động thú vị này:
Lần đầu tiên nữ sinh Đà Nẵng có màn trình diễn táo bạo trước đông đảo du khách.

Chương trình này được chính ban quản lý bán đảo Sơn Trà và các bãi biển du lịch Đà Nẵng phối hợp với các doanh nghiệp phối hợp tổ chức với thông điệp "Tắm biển văn minh với trang phục áo tắm”.

Các cô gái đã tỏ ra rất dạn dĩ.

Những điệu nhảy tập thể sôi động, vui vẻ.





Du khách chăm chú nhìn các cô gái diện bikini nhảy tập thể.

4 tháng, gần 900.000 lượt khách du lịch đến Đà Nẵng

Sở VH-TT&DL cho biết, trong 4 tháng đầu năm 2013, tổng lượt khách tham quan, du lịch đến Đà Nẵng ước đạt gần 900.000 lượt, tăng 4,3% so với cùng kỳ năm 2012; trong đó khách quốc tế ước đạt 300.000 lượt, tăng 8,6% so với cùng kỳ năm 2012, khách nội địa ước đạt 600.000 lượt, tăng 2,4% so với cùng kỳ năm 2012. Tổng thu nhập từ hoạt động du lịch ước đạt hơn 2.000 tỷ đồng, tăng gần 18% so với cùng kỳ năm 2012.

Riêng trong tháng 4 với nhiều sự kiện lớn diễn ra tại Đà Nẵng đã thu hút gần 300.000 lượt khách, tăng hơn 13% so với cùng kỳ năm 2012. Cũng trong thời gian này, các hãng hàng không đã mở lại nhiều đường bay để đáp ứng lượng khách tăng cao như đường bay quốc tế trực tiếp từ Đà Nẵng đi Pakse do Laos Airlines khai thác từ ngày 11-4, với tần suất 3 chuyến/tuần; đường bay Thành Đô - Đà Nẵng do Vietnam Airlines khai thác từ ngày 18-4, với tần suất 2 chuyến/tuần. Tính đến nay, thành phố có 15 đường bay quốc tế trực tiếp đến Đà Nẵng, trong đó có 3 đường bay trực tiếp thường kỳ và 12 đường bay trực tiếp thuê chuyến.

Lập đường dây nóng dẹp nạn ’chặt chém’ du khách

Trước tình trạng du khách bị lừa đảo, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đề nghị UBND các tỉnh, thành phố thiết lập đường dây nóng để tiếp nhận, giải quyết và phản hồi thông tin kịp thời đến khách du lịch.

Du khách bị bủa vây tại phố cổ Hà Nội.

Theo đó, UBND các tỉnh, thành phố tập trung thực hiện nội dung “Nâng cao vai trò và trách nhiệm của chính quyền địa phương trong việc đảm bảo môi trường, văn minh lịch sự, an ninh, trật tự, an toàn xã hội tại các khu, điểm du lịch”.

Bên cạnh đó, tổ chức triển khai đồng bộ những giải pháp tăng cường công tác chỉ đạo, phối hợp liên ngành để kiểm tra, phát hiện và xử lý triệt để những hành vi cướp giật tài sản, lừa đảo, gian lận, tăng giá, chặt chém, đeo bám, ép khách du lịch…

Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch lưu ý các tỉnh, thành cần tăng cường công tác tuyên truyền, phổ biến sâu rộng trong nhân dân, nhằm xây dựng phong cách ứng xử văn minh, lịch sự, việc giữ gìn, đảm bảo an ninh, an toàn, vệ sinh môi trường để phát triển du lịch.

Đồng thời, khen thưởng, động viên các tổ chức, cá nhân có những đóng góp tích cực và hiệu quả trong công tác đảm bảo an ninh, an toàn, giữ vệ sinh môi trường du lịch trên địa bàn.
 
Theo BDN

Thứ Ba, 21 tháng 5, 2013

Vẫn nan giải nhân lực ngành du lịch

Sự xuất hiện ngày càng nhiều các khách sạn và khu nghỉ dưỡng cao cấp cùng với việc nở rộ dịch vụ du lịch (DL) tại Đà Nẵng đã kéo theo “cơn khát” về nguồn nhân lực cho ngành du lịch, từ hướng dẫn viên (HDV) cho đến cả nhân viên phục vụ phòng, lễ tân, đầu bếp, lái xe... Tuy nhiên, so với nhu cầu thực tế ngày càng tăng này, nhân lực Du lịch Đà Nẵng vẫn trong tình trạng thiếu và yếu.
Nhân lực còn thiếu, yếu
Theo thống kê của Sở Văn hóa - Thể thao và Du lịch (VH-TT&DL) thành phố Đà Nẵng, tổng số lao động DL trên địa bàn thành phố đến cuối năm 2011 là 13.903 người (chiếm 3,2% tổng số nhân lực toàn thành phố), tham gia các hoạt động kinh doanh DL, tập trung ở các lĩnh vực: lữ hành, khách sạn, vận chuyển khách du lịch, dịch vụ vui chơi giải trí… Trong đó, tỷ lệ lao động được đào tạo đúng chuyên môn về DL thấp, chiếm 40,6% số lao động toàn ngành và số lao động có trình độ ngoại ngữ chỉ chiếm 38% trên tổng số lao động DL toàn thành phố.
Đây là con số quá nhỏ so với sự phát triển ngày càng mạnh của ngành Du lịch Đà Nẵng. Đơn cử như, đội ngũ lao động trong hoạt động lữ hành chỉ có 796 người, chiếm 5,7%; đội ngũ HDV du lịch có 560 người, chiếm 4,2% nguồn nhân lực thành phố Đà Nẵng. Trong khi đó, số lượng HDV được học đúng chuyên ngành HDV được cấp thẻ chỉ chiếm 5% trên tổng số HDV hiện có.
Nữ hướng dẫn viên đang giới thiệu về văn hoaas Chăm cho du khách tham qua tại Bảo tàng Chăm (Đà Nẵng)
Nữ hướng dẫn viên đang giới thiệu văn hóa Chămpa cho du khách tham quan Bảo tàng Điêu khắc Chăm (Đà Nẵng)
Theo nhận định chung của đại diện một số công ty lữ hành, tổ chức sự kiện DL, khu vui chơi giải trí phục vụ du khách ở Đà Nẵng, hiện nay, nguồn nhân lực của ngành DL đang trong tình trạng vừa thiếu vừa yếu và khiến các nhà quản lý đau đầu.
Với kinh nghiệm hơn 13 năm ở vị trí Trưởng phòng Điều hành Công ty Du lịch Vitours, ông Lê Tấn Thanh Tùng cho biết, lực lượng lao động DL được đào tạo ngoại ngữ nhưng chủ yếu chỉ có trình độ A, B; hiện số lượng HDV du lịch ở Đà Nẵng chưa đáp ứng được nhu cầu thực tế, nhất là vào mùa DL cao điểm với các thị trường khách như: Trung Quốc, Thái Lan, Nhật Bản, Nga, Hàn Quốc…
Bên cạnh đó, số HDV được học đúng chuyên ngành còn thấp, ảnh hưởng đến chất lượng, giảm tính hấp dẫn khi làm nhiệm vụ hướng dẫn cho du khách; HDV quốc tế chủ yếu tốt nghiệp ĐH Ngoại ngữ, ĐH Kinh tế hoặc chuyên ngành khác, sau đó trải qua khóa đào tạo ngắn hạn về nghiệp vụ DL để được cấp thẻ HDV nên khả năng hướng dẫn cũng như hiểu biết về các điểm tham quan của HDV rất hạn chế.
Đồng quan điểm, ông Đinh Văn Lộc, Giám đốc Công ty cổ phần Du lịch Việt Đà cho rằng, người được đào tạo đúng chuyên ngành DL thì lại yếu về khả năng sử dụng ngoại ngữ. Cùng đó, đa số nguồn này còn thiếu kinh nghiệm thực tế, nên hầu hết sinh viên du lịch ra trường đều phải đào tạo lại tại các doanh nghiệp ít nhất nửa năm. “Cái chúng tôi cần là những người thực sự có kinh nghiệm, bởi đây là vấn đề quan trọng nhằm tạo nên uy tín cho công ty”, ông Lộc nói.
Qua ý kiến từ các doanh nghiệp sử dụng lao động, sinh viên, học sinh sau khi ra trường, yếu nhất là những kỹ năng giao tiếp, xử lý tình huống, chăm sóc khách hàng. Theo số liệu điều tra, số lao động sau khi được tuyển dụng đối với lĩnh vực lữ hành chỉ có 41,5% có thể sử dụng ngay; khách sạn 62,6%; thấp nhất là lĩnh vực nhà hàng - chỉ có 28,8%...
Nhân lực không "đua" kịp đà phát triển DL
Ông Trịnh Bằng Có, Tổng Giám đốc Công ty cổ phần Du lịch Phương Đông Việt, Tổng Thư ký Hiệp hội Du lịch Đà Nẵng cho biết thêm, không chỉ đội ngũ HDV thiếu mà ngay cả đội ngũ nhân viên đầu bếp, phục vụ phòng, phục vụ bàn, lễ tân… ở Đà Nẵng hiện cũng đang còn khan hiếm.
Chính sự phát triển quá nhanh về phần cứng của các cơ sở lưu trú trong thời gian gần đây đã dẫn đến một hệ quả là các khách sạn, khu nghỉ mát mới đi vào hoạt động thiếu nguồn nhân lực DL trầm trọng, phần vì các trường dạy nghề, trung cấp, CĐ, ĐH có đào tạo chuyên ngành DL tại Đà Nẵng hiện chỉ đáp ứng một phần nhỏ yêu cầu của nhà tuyển dụng về nguồn nhân lực đạt chất lượng.
“Từ đó sẽ nảy sinh một vấn đề, nhiều khu resort, khách sạn… mới hoạt động sau tìm cách lôi kéo nhân viên hoặc phải chọn giải pháp tuyển người từ nước ngoài; hoặc từ Hà Nội, TP HCM và các tỉnh lân cận với mức lương rất đắt đỏ”, ông Có phân tích.
Theo Sở VH-TT&DL Đà Nẵng, việc phát triển quá nhanh về số lượng cơ sở lưu trú DL trong thời gian qua đã làm phát sinh nhu cầu tuyển dụng lao động rất lớn, đặc biệt là lao động đã có kinh nghiệm làm việc thực tế. Các vị trí lao động khó tuyển dụng là trưởng bộ phận bán hàng (94,7%), bếp trưởng (88%), trưởng bộ phận nhân sự (85,2%), trưởng bộ phận tiền sảnh (84,7%) và quản lý điều hành khách sạn (62,6%)...
Theo dự đoán, với tốc độ phát triển du lịch thành phố Đà Nẵng hiện nay, dự kiến số lượng du khách đến với thành phố Đà Nẵng cho tới năm 2015 sẽ đạt 4 triệu lượt khách với tốc độ tăng trưởng bình quân hằng năm 18%/năm; trong đó khách quốc tế đạt 1 triệu lượt. Ngoài ra, dự kiến, số lượng phòng khách sạn tới năm 2015 ở Đà Nẵng là hơn 17 ngàn phòng. Khi đó, ngành DL của thành phố cần có 23.900 lao động trong khách sạn; hơn 5.500 lao động trong nhà hàng; 1.600 lao động tại các khu du lịch; 800 HDV du lịch...
Nguồn nhân lực thiếu và yếu chính là thách thức lớn của ngành DL Đà Nẵng trong "cuộc chiến" cạnh tranh thị phần để từng bước phát triển, đưa DL trở thành ngành kinh tế mũi nhọn của thành phố. Giải quyết bài toán này cần cái bắt tay trực tiếp giữa những cơ sở đào tạo với các doanh nghiệp, đơn vị kinh doanh dịch vụ DL, để thu hẹp khoảng cách giữa kiến thức đã học với thực tế, giúp học sinh, sinh viên ra trường đảm bảo được yêu cầu của doanh nghiệp và mục tiêu phát triển DL của thành phố.
Theo BDN