Thứ Ba, 21 tháng 5, 2013
Vẫn nan giải nhân lực ngành du lịch
Sự xuất hiện ngày càng nhiều các khách sạn và khu nghỉ dưỡng cao cấp cùng với việc nở rộ dịch vụ du lịch (DL) tại Đà Nẵng đã kéo theo “cơn khát” về nguồn nhân lực cho ngành du lịch, từ hướng dẫn viên (HDV) cho đến cả nhân viên phục vụ phòng, lễ tân, đầu bếp, lái xe... Tuy nhiên, so với nhu cầu thực tế ngày càng tăng này, nhân lực Du lịch Đà Nẵng vẫn trong tình trạng thiếu và yếu.
Nhân lực còn thiếu, yếu
Theo thống kê của Sở Văn hóa - Thể thao và Du lịch (VH-TT&DL) thành phố Đà Nẵng, tổng số lao động DL trên địa bàn thành phố đến cuối năm 2011 là 13.903 người (chiếm 3,2% tổng số nhân lực toàn thành phố), tham gia các hoạt động kinh doanh DL, tập trung ở các lĩnh vực: lữ hành, khách sạn, vận chuyển khách du lịch, dịch vụ vui chơi giải trí… Trong đó, tỷ lệ lao động được đào tạo đúng chuyên môn về DL thấp, chiếm 40,6% số lao động toàn ngành và số lao động có trình độ ngoại ngữ chỉ chiếm 38% trên tổng số lao động DL toàn thành phố.
Đây là con số quá nhỏ so với sự phát triển ngày càng mạnh của ngành Du lịch Đà Nẵng. Đơn cử như, đội ngũ lao động trong hoạt động lữ hành chỉ có 796 người, chiếm 5,7%; đội ngũ HDV du lịch có 560 người, chiếm 4,2% nguồn nhân lực thành phố Đà Nẵng. Trong khi đó, số lượng HDV được học đúng chuyên ngành HDV được cấp thẻ chỉ chiếm 5% trên tổng số HDV hiện có.
Nữ hướng dẫn viên đang giới thiệu văn hóa Chămpa cho du khách tham quan Bảo tàng Điêu khắc Chăm (Đà Nẵng) |
Theo nhận định chung của đại diện một số công ty lữ hành, tổ chức sự kiện DL, khu vui chơi giải trí phục vụ du khách ở Đà Nẵng, hiện nay, nguồn nhân lực của ngành DL đang trong tình trạng vừa thiếu vừa yếu và khiến các nhà quản lý đau đầu.
Với kinh nghiệm hơn 13 năm ở vị trí Trưởng phòng Điều hành Công ty Du lịch Vitours, ông Lê Tấn Thanh Tùng cho biết, lực lượng lao động DL được đào tạo ngoại ngữ nhưng chủ yếu chỉ có trình độ A, B; hiện số lượng HDV du lịch ở Đà Nẵng chưa đáp ứng được nhu cầu thực tế, nhất là vào mùa DL cao điểm với các thị trường khách như: Trung Quốc, Thái Lan, Nhật Bản, Nga, Hàn Quốc…
Bên cạnh đó, số HDV được học đúng chuyên ngành còn thấp, ảnh hưởng đến chất lượng, giảm tính hấp dẫn khi làm nhiệm vụ hướng dẫn cho du khách; HDV quốc tế chủ yếu tốt nghiệp ĐH Ngoại ngữ, ĐH Kinh tế hoặc chuyên ngành khác, sau đó trải qua khóa đào tạo ngắn hạn về nghiệp vụ DL để được cấp thẻ HDV nên khả năng hướng dẫn cũng như hiểu biết về các điểm tham quan của HDV rất hạn chế.
Đồng quan điểm, ông Đinh Văn Lộc, Giám đốc Công ty cổ phần Du lịch Việt Đà cho rằng, người được đào tạo đúng chuyên ngành DL thì lại yếu về khả năng sử dụng ngoại ngữ. Cùng đó, đa số nguồn này còn thiếu kinh nghiệm thực tế, nên hầu hết sinh viên du lịch ra trường đều phải đào tạo lại tại các doanh nghiệp ít nhất nửa năm. “Cái chúng tôi cần là những người thực sự có kinh nghiệm, bởi đây là vấn đề quan trọng nhằm tạo nên uy tín cho công ty”, ông Lộc nói.
Qua ý kiến từ các doanh nghiệp sử dụng lao động, sinh viên, học sinh sau khi ra trường, yếu nhất là những kỹ năng giao tiếp, xử lý tình huống, chăm sóc khách hàng. Theo số liệu điều tra, số lao động sau khi được tuyển dụng đối với lĩnh vực lữ hành chỉ có 41,5% có thể sử dụng ngay; khách sạn 62,6%; thấp nhất là lĩnh vực nhà hàng - chỉ có 28,8%...
Nhân lực không "đua" kịp đà phát triển DL
Ông Trịnh Bằng Có, Tổng Giám đốc Công ty cổ phần Du lịch Phương Đông Việt, Tổng Thư ký Hiệp hội Du lịch Đà Nẵng cho biết thêm, không chỉ đội ngũ HDV thiếu mà ngay cả đội ngũ nhân viên đầu bếp, phục vụ phòng, phục vụ bàn, lễ tân… ở Đà Nẵng hiện cũng đang còn khan hiếm.
Chính sự phát triển quá nhanh về phần cứng của các cơ sở lưu trú trong thời gian gần đây đã dẫn đến một hệ quả là các khách sạn, khu nghỉ mát mới đi vào hoạt động thiếu nguồn nhân lực DL trầm trọng, phần vì các trường dạy nghề, trung cấp, CĐ, ĐH có đào tạo chuyên ngành DL tại Đà Nẵng hiện chỉ đáp ứng một phần nhỏ yêu cầu của nhà tuyển dụng về nguồn nhân lực đạt chất lượng.
“Từ đó sẽ nảy sinh một vấn đề, nhiều khu resort, khách sạn… mới hoạt động sau tìm cách lôi kéo nhân viên hoặc phải chọn giải pháp tuyển người từ nước ngoài; hoặc từ Hà Nội, TP HCM và các tỉnh lân cận với mức lương rất đắt đỏ”, ông Có phân tích.
Theo Sở VH-TT&DL Đà Nẵng, việc phát triển quá nhanh về số lượng cơ sở lưu trú DL trong thời gian qua đã làm phát sinh nhu cầu tuyển dụng lao động rất lớn, đặc biệt là lao động đã có kinh nghiệm làm việc thực tế. Các vị trí lao động khó tuyển dụng là trưởng bộ phận bán hàng (94,7%), bếp trưởng (88%), trưởng bộ phận nhân sự (85,2%), trưởng bộ phận tiền sảnh (84,7%) và quản lý điều hành khách sạn (62,6%)...
Theo dự đoán, với tốc độ phát triển du lịch thành phố Đà Nẵng hiện nay, dự kiến số lượng du khách đến với thành phố Đà Nẵng cho tới năm 2015 sẽ đạt 4 triệu lượt khách với tốc độ tăng trưởng bình quân hằng năm 18%/năm; trong đó khách quốc tế đạt 1 triệu lượt. Ngoài ra, dự kiến, số lượng phòng khách sạn tới năm 2015 ở Đà Nẵng là hơn 17 ngàn phòng. Khi đó, ngành DL của thành phố cần có 23.900 lao động trong khách sạn; hơn 5.500 lao động trong nhà hàng; 1.600 lao động tại các khu du lịch; 800 HDV du lịch...
Nguồn nhân lực thiếu và yếu chính là thách thức lớn của ngành DL Đà Nẵng trong "cuộc chiến" cạnh tranh thị phần để từng bước phát triển, đưa DL trở thành ngành kinh tế mũi nhọn của thành phố. Giải quyết bài toán này cần cái bắt tay trực tiếp giữa những cơ sở đào tạo với các doanh nghiệp, đơn vị kinh doanh dịch vụ DL, để thu hẹp khoảng cách giữa kiến thức đã học với thực tế, giúp học sinh, sinh viên ra trường đảm bảo được yêu cầu của doanh nghiệp và mục tiêu phát triển DL của thành phố.
Theo BDN
0 nhận xét:
Đăng nhận xét