Thứ Sáu, 26 tháng 7, 2013

Hành trình xây dựng thương hiệu du lịch Đà Nẵng

Những chiếc cầu nổi tiếng bắc qua dòng sông Hàn thơ mộng, dãy Sơn Trà ôm gọn bờ biển dài quyến rũ, núi Bà Nà đẹp như tiên cảnh, bờ biển dài với bãi tắm sạch sẽ… Khách du lịch mỗi khi có dịp đến Đà Nẵng vẫn cứ nhớ mãi những tên gọi này. 10 năm qua, lãnh đạo và người dân Đà Nẵng đã kỳ công tích góp từng “viên gạch” để xây dựng nên thương hiệu du lịch Đà Nẵng mang tầm vóc cả nước và vươn tầm quốc tế.

Từ lễ hội thành thương hiệu

Du lịch Đà Nẵng ngay từ lúc xác định trở thành ngành kinh tế mũi nhọn đã đối mặt với bài toán phát triển đầy cạnh tranh. So với các tỉnh, thành nằm trên con đường Di sản miền Trung như Thừa Thiên-Huế, Quảng Nam, nguồn tài nguyên du lịch thành phố không có nhiều thuận lợi, nhất là thiếu các di sản văn hóa. Song, với lợi thế là tâm điểm giao thương khu vực, điểm đến thuận lợi của các mặt giao thông đường bộ, đường thủy, đường hàng không và cả đường sắt, Đà Nẵng có đủ tiềm lực xây dựng du lịch sự kiện, lễ hội đặc sắc.

Nhiều năm qua, thành phố Đà Nẵng đã quyết tâm gắn kết hình ảnh một đô thị năng động, hiện đại và môi trường với chiến lược phát triển các chuỗi sự kiện, lễ hội cộng đồng. Cuộc thi trình diễn pháo hoa quốc tế hằng năm là bước đột phá đầu tiên của địa phương, qua 6 mùa khai hội đến nay đã có kết quả rõ rệt, giúp định dạng một Đà Nẵng trẻ trung và hấp dẫn hơn trong mắt du khách. Cuộc thi thực sự đã mở ra một không gian tận hưởng tuyệt vời, đồng thời cũng là “phát pháo” khởi động các sự kiện, lễ hội sôi nổi trong năm. Từ sự thành công vang dội của cuộc thi này, cánh cửa du lịch Đà Nẵng theo đó càng mở rộng, càng thêm nhiều điểm sáng phát triển hơn trong tương lai. Ông Trần Chí Cường, Phó Giám đốc Sở Văn hóa-Thể thao và Du lịch Đà Nẵng chia sẻ: “Cuộc thi trình diễn pháo hoa quốc tế đã trở thành sự kiện văn hóa du lịch lớn, thu hút hàng trăm nghìn lượt người tới xem mỗi dịp diễn ra. Thương hiệu pháo hoa quốc tế Đà Nẵng đã được khẳng định, góp phần quảng bá hình ảnh thành phố đến với bạn bè trong nước và quốc tế”. Ngày một hấp dẫn và chuyên nghiệp hơn, Cuộc thi trình diễn pháo hoa quốc tế ở Đà Nẵng đã góp phần kiến tạo nên một thành phố lễ hội trong tương lai.

Từ sự kiện này, Đà Nẵng đã đúc kết đủ kinh nghiệm, định dạng nhiều hoạt động lễ hội liên tục và đa dạng hơn, như đăng cai các cuộc thi mỹ thuật, âm nhạc, triển lãm văn hóa… Thương hiệu lễ hội của Đà Nẵng bắt đầu “thẩm thấu” vào số đông du khách khi đến du lịch ở miền Trung qua những lăng kính thú vị và sôi động hơn. Kể từ năm 2006 đến nay, lượng khách du lịch đến Đà Nẵng tăng mạnh, gấp 3 lần so với trước.

Có thể nói, vận động của du lịch Đà Nẵng theo hướng phát triển thành một thành phố sự kiện, lễ hội là bước đi đẹp. Bên cạnh sự hình thành các tour, tuyến mới, du lịch địa phương còn mạnh dạn đề ra những tiêu chí độc đáo với du khách như mời gọi tìm hiểu du lịch bất động sản, mời gọi các nhà đầu tư cùng khảo sát các dự án hạ tầng du lịch nơi đây.

Nhiều dự án dịch vụ du lịch biển đang được khai thác mạnh tại Đà Nẵng. Trong ảnh: Khu nghỉ dưỡng Intercontinental ở Bãi Bắc- bán đảo Sơn Trà. (Ảnh: VĂN NỞ)

Đánh thức thương hiệu du lịch biển

Đà Nẵng được biết đến với những bãi tắm đẹp kéo dài từ chân đèo Hải Vân đến Non Nước, thu hút nhiều du khách thập phương đến tham quan, nghỉ dưỡng. Năm 2005, Tạp chí Forbes của Mỹ đã bình chọn biển Đà Nẵng là một trong 6 bãi biển quyến rũ nhất hành tinh. Với những tiềm năng sẵn có, biển Đà Nẵng có cơ hội tạo dựng thương hiệu ở đa ngành, đa mục tiêu.

Nhận ra thế mạnh này, nhiều năm trước, Đà Nẵng đã tiến hành giải phóng mặt bằng, di dời giải tỏa để mở các tuyến đường chạy dọc ven biển như đường Nguyễn Tất Thành, sau đó là đường Sơn Trà - Điện Ngọc (nay là đường Hoàng Sa - Trường Sa). “Con đường 5 sao” không chỉ kết nối du lịch giữa Đà Nẵng với các địa phương khác mà còn góp phần làm thay đổi diện mạo thành phố nói chung và ngành du lịch Đà Nẵng nói riêng. Ông Phan Minh Hải, Phó Ban quản lý bán đảo Sơn Trà và các bãi biển du lịch Đà Nẵng chia sẻ: “Đường du lịch ven biển đã mở ra cho Đà Nẵng cánh cửa mới. Biển Đà Nẵng từ chỗ không có tên trên bản đồ du lịch đến nay đã trở thành điểm du lịch nổi tiếng”.

Chỉ trong vòng vài năm, từ khi đường Nguyễn Tất Thành, đường Hoàng Sa - Trường Sa rộng mở, thương hiệu du lịch biển Đà Nẵng nhanh chóng được thay “áo mới”. Cách riêng của Đà Nẵng là đầu tư mạnh mẽ về hạ tầng, với quy hoạch tầm nhìn kéo dài dòng sông và hướng biển.

Những cây cầu bắc ngang đôi bờ sông Hàn, chạy thẳng ra biển không chỉ đưa biển đến gần hơn với nhịp sống đô thị mà còn mở ra cơ hội cho du lịch biển phát triển. Hàng loạt dự án công trình lớn, hàng trăm khu dân cư mới đã và đang ra đời; với cuộc di dời ngoạn mục hàng chục ngàn dân cư đến các khu tái định cư khang trang hơn, tất cả đã tạo ra diện mạo mới cho Đà Nẵng, qua đó tạo động lực cho thành phố phát triển. Thương hiệu “thành phố biển” cũng đi liền theo đó.

Du lịch biển ngày càng trở thành ngành kinh tế mũi nhọn đối với Đà Nẵng. Từ đó, nhiều nhà đầu tư đã không bỏ qua cơ hội. Biển Đà Nẵng đã tạo nên sức bật lớn, thu hút các nhà đầu tư rót vốn xây dựng hàng loạt dự án khu nghỉ dưỡng cao cấp, tạo chuỗi đô thị nghỉ dưỡng trải dài từ bán đảo Sơn Trà đến biển Hội An - Cửa Đại (tỉnh Quảng Nam). Khai phá đầu tiên là khách sạn 5 sao Furama, sau đó hàng loạt khách sạn, khu nghỉ dưỡng mọc lên dọc ven biển Đà Nẵng và hình thành nhiều tour du lịch biển. Du lịch biển Đà Nẵng đã và đang đi đúng hướng khi ngay từ đầu đã xác định được thế mạnh của mình.
10 năm qua, trên con đường đi tìm thương hiệu, lắm chông chênh, lắm gập ghềnh nhưng với chính sách phát triển du lịch đúng đắn, Đà Nẵng đã để lại dấu ấn đẹp trong lòng du khách.
Theo BaoDaNang

Thứ Hai, 22 tháng 7, 2013

Các hình ảnh đẹp về Cù Lao Chàm

Với 8 hòn đảo nhỏ trải dài theo hình cánh cung xanh mướt, Cù lao Chàm là một trong nhiều quần đảo hoang sơ mới được đưa vào khai thác trong vài năm gần đây ở Quảng Nam. Những ai lần đầu đi du lịch Cù lao Chàm chắc đều bị hòn đảo này quyến rũ. Một màu biếc xanh nguyên sơ của cây rừng nối liền với màu xanh của biển bằng dải lụa cát trắng mịn màng, lấp lánh dưới ánh nắng vàng và màu trời xanh thẳm…





Thứ Bảy, 20 tháng 7, 2013

Cù Lao Chàm là Hawaii của Việt Nam

Cù Lao Chàm là Hawaii của Việt Nam
Cù Lao Chàm, nước ngọt từ các khe suối chảy suốt ngày đêm. Vì thế, trên đảo trồng được lúa. Du khách rất thích thú điều này, cứ đòi xách giày xăm xăm lội ruộng. Đã là đảo thì diện tích đất sỏi đá chiếm phần nhiều. Thế nhưng, nỗ lực biến “sỏi đá thành cơm” của bà con Cù Lao Chàm đã có hiệu quả. Trên đảo cây trái, hoa lá sum suê. Đến du lịch Cù Lao Chàm, du khách không chỉ hăm hở lặn biển ngắm san hô mà lên đảo xem người dân địa phương làm ruộng cũng thú vị chẳng kém. Dân Cù Lao Chàm chẳng bao giờ sợ thiếu đồ ăn. Cá tôm đầy biển, chỉ cần dong thuyền, chèo thúng ra một chốc là có ngay bữa cơm ngon lành. Trọng tâm của cụm đảo Cù Lao Chàm là Hòn Lao với bãi Làng và bãi Hương có cư dân cùng các bãi chuyên dành cho khách tham quan, khám phá như bãi Chồng, bãi Xếp cát vàng. Biển xanh và những hàng dừa soi bóng thơ mộng ở đây đã khiến nhiều du khách không khỏi so sánh Cù Lao Chàm là “Hawaii của Việt Nam”.

Thứ Tư, 17 tháng 7, 2013

Mắt xích quan trọng của du lịch miền Trung

Miền Trung là mảnh đất có nhiều địa danh du lịch nổi tiếng, trong đó, thành phố Đà Nẵng được đánh giá có nhiều tiềm năng phát triển du lịch, nhờ vào địa thế cũng như các chính sách “mở” để thu hút đầu tư vào lĩnh vực này.

Danh thắng Ngũ Hành Sơn, một trong những điểm đến nổi tiếng của Đà Nẵng.
Danh thắng Ngũ Hành Sơn, một trong những điểm đến nổi tiếng của Đà Nẵng.

Môi trường đầu tư hấp dẫn
Đánh tan những nghi ngại về sự chững lại trong làn sóng đầu tư vào du lịch trong bối cảnh khó khăn, các dự án nhà nghỉ, khách sạn, resort tiêu chuẩn quốc tế vẫn xuất hiện ngày một dày trên bãi biển Đà Nẵng. Tính đến giữa năm 2013, Đà Nẵng có trên 60 dự án đầu tư về du lịch với tổng số vốn trên 3 tỷ USD. Ngoài các dự án đã đi vào hoạt động như: Intercontinental Danang Sun Peninsula Resort, Vinpearl Danang (giai đoạn 2), Cao ốc Azura, Khu du lịch biển Ngũ Hành Sơn (giai đoạn 2), Sunrise Resort, Novotel Hotel… từ nay đến năm 2015 sẽ có thêm hàng chục dự án đầu tư khác như Son Tra Resort and Spa (giai đoạn 3, 4), Vinacapital Resort và Sân golf (giai đoạn 3), Le Meridien… So với các địa phương khác trong Vùng duyên hải miền Trung, Đà Nẵng có lợi thế để phát triển du lịch nhờ có bãi biển đẹp, có cảng biển, sân bay quốc tế, hạ tầng giao thông tương đối hoàn chỉnh đi kèm các dịch vụ tiện ích.

Năm 2012, thành phố đã đón 2,5 triệu lượt khách đến tham quan, trong đó khách quốc tế vào khoảng 800.000 lượt. Không chỉ hấp dẫn bởi những khu nghỉ dưỡng sang trọng, các hoạt động du lịch sôi động luôn được làm mới đã thu hút sự quan tâm của các du khách trong và ngoài nước. Kể cả các nhà đầu tư khi quyết định “tung tiền” vào đây cũng đều kỳ vọng thu được lợi nhuận hấp dẫn từ ngành “công nghiệp không khói” này. Ông Kai Marcus Schroter, Phó Chủ tịch Ủy ban Du lịch châu Âu từng phát biểu trong một hội nghị liên kết Vùng duyên hải miền Trung: “Các nhà đầu tư luôn mong đợi một môi trường đầu tư năng động, bình đẳng với thủ tục hành chính đơn giản, minh bạch và thống nhất; trong đó hệ thống văn bản pháp luật phải đáng tin cậy và có tính thực thi cao. Nhưng tôi cho rằng quan trọng nhất là các bạn phải cam kết và thực hiện đúng cam kết. Chúng ta đừng nên chỉ nhìn vào phần cứng và những con số, đừng quá phụ thuộc vào sự ưu đãi của tài nguyên thiên nhiên mà phải tạo nên một môi trường hấp dẫn hơn để thu hút các nhà đầu tư lớn”.

Một số nhà đầu tư nước ngoài từng đến Đà Nẵng từ 10 năm trước đều khẳng định: Thành phố đã có những bước thay đổi vượt bậc trong những năm gần đây. Đặc biệt là kết cấu hạ tầng cùng với chính sách thân thiện với nhà đầu tư đã tạo động lực cho các dự án nghỉ dưỡng và du lịch phát triển mang lại cơ hội để Đà Nẵng trở thành một trung tâm du lịch quốc tế trong tương lai không xa.

Đẩy mạnh mũi nhọn du lịch
Theo nhìn nhận của ngành du lịch thành phố, lâu nay lượng khách đến Đà Nẵng lưu trú cũng như tham gia các hoạt động vui chơi, giải  trí vẫn còn thấp hơn so với các tỉnh, thành láng giềng như Thừa Thiên - Huế, Quảng Nam, Bình Thuận. Rõ ràng, dù được xem là “cửa ngõ” nhưng Đà Nẵng vẫn chưa khai thác hết thế mạnh du lịch của mình. Thực trạng phát triển du lịch của các tỉnh miền Trung thiếu liên kết, hợp tác bền chặt với nhau, việc khai thác thị trường du lịch vẫn theo kiểu “mạnh ai nấy làm” nên chưa đạt tối đa hiệu quả.
PGS.TS Trần Đình Thiên, Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam nhìn nhận: “Cần định vị cho được tương lai của miền Trung. Nếu không định vị đúng hướng thì rất khó để thu hút các nhà đầu tư. Trong quy hoạch vùng, phải tính đến các chuỗi phát triển cụ thể mang tính vùng, thí dụ như “phát triển chuỗi du lịch” đang nổi bật nhất của miền Trung hiện nay. Tuy nhiên, tùy sự sáng tạo của mỗi địa phương để liên kết, nhưng không mất đi động lực cạnh tranh lành mạnh”.

Ông Kim Cheng Suk, một nhà đầu tư đến từ Hàn Quốc bày tỏ sự băn khoăn: “Đầu tư về vốn chỉ là một mặt của vấn đề. Theo tôi quan trọng hơn nữa là cần đầu tư về con người. Vấn đề tôi quan tâm ở Đà Nẵng và miền Trung là chính sách phát triển du lịch và các khu nghỉ dưỡng. Nhiều người nhận xét, tiêu chuẩn ở đây còn thấp so với quốc tế, nhất là nhân lực phục vụ cho du lịch. Chính quyền các bạn đã có kế hoạch nào để chuẩn bị cho sự phát triển du lịch hay chưa?”. Trong Hội thảo với chủ đề “Phát triển Đà Nẵng trở thành thành phố mang tầm vóc khu vực và châu Á” mới đây, các chuyên gia đã đưa ra nhiều ý tưởng và giải pháp đột phá nhằm xây dựng Đà Nẵng thành điểm đến du lịch hấp dẫn. Qua đó, xác định rõ, với tư cách là cửa ngõ, trong tương lai Đà Nẵng phải là trung tâm cung cấp các dịch vụ lưu trú, vui chơi, giải trí, mua sắm; là mắt xích quan trọng đáp ứng nhu cầu của khách du lịch không chỉ đến đây mà còn đến với cả khu vực miền Trung.

Theo Bao Da Nang

Thứ Tư, 10 tháng 7, 2013

Hơn 302 nghìn lượt khách tham quan Ngũ Hành Sơn

6 tháng đầu năm nay, có hơn 302 nghìn lượt khách đến tham quan danh thắng Ngũ Hành Sơn; trong đó có hơn 84,1 nghìn lượt khách nước ngoài, tổng doanh thu trên 4,6 tỷ đồng (đạt 55% kế hoạch); hơn 164 nghìn lượt khách tham quan ngọn Thủy Sơn bằng dịch vụ thang máy, doanh thu gần 2,5 tỷ đồng.

Từ nay đến cuối năm, Ban Quản lý tiếp tục tập trung bảo đảm môi trường văn hóa, văn minh du lịch; đẩy mạnh công tác quảng bá hình ảnh danh thắng Ngũ Hành Sơn trên các phương tiện truyền thông, nhất là nâng cao hiệu quả quảng bá trên trang thông tin điện tử; xây dựng danh thắng Ngũ Hành Sơn là điểm đến “An toàn, văn minh, thân thiện”.

Theo BaoDaNang

Thứ Hai, 8 tháng 7, 2013

Kinh nghiệm du lịch Cù Lao Chàm

Kinh nghiệm du lịch Cù Lao Chàm, Cù Lao Chàm là một cụm đảo xã đảo Tân Hiệp, thành phố Hội An, tỉnh Quảng Nam, nằm cách bờ biển Cửa Đại khoảng 15 km. Cù Lao Chàm vẫn còn nhiều nét hoang sơ, vào năm 2009 Cù Lao Chàm đã được UNESCO công nhận là Khu dự trữ sinh quyển thế giới. Hiện nay Cù Lao Chàm là một điểm du lịch rất thú vị của khu vực miền Trung

Hành lý chuẩn bị gì ?

Trước khi tham gia tour Cù Lao Chàm từ Đà Nẵng, bạn nên dành thời gian để chuẩn bị mọi đồ dùng cần thiết cho mình như:
- Khăn mặt, bàn chải, kem đánh răng
- Áo, quần, đồ bơi.
- Kem chống nắng (nếu bạn sợ đen da), thuốc bôi chống côn trùng (nếu bạn muốn khám phá trong rừng sâu)
- Mũ, nón, và ô thì tốt
- Máy ảnh, máy quay. (cảnh biển của Cù Lao Chàm đêm rất đẹp)
- Kè kè chai nước bên cạnh
- Thuốc đau đầu, đau bụng để phòng trường hợp ăn của lạ không hợp.

Đi bằng cách nào ?

Cù Lao Chàm bao gồm 8 đảo: Hòn Lao, Hòn Dài, Hòn Mồ, Hòn Khô mẹ, Hòn Khô con, Hòn Lá, Hòn Tai, Hòn Ông. Dân số trên các hòn đảo này khoảng 3.000 người. Để ra đảo, chỉ mất 20 phút đi tàu cao tốc hoặc hơn 1 tiếng đi tàu địa phương. Bạn có thể mua tour trọn gói đi từ Đà Nẵng trong một ngày khoảng 650.000 đồng/người. Hoặc mua tour đi Cù Lao Chàm từ Hội An

Đi đâu, chơi gì ?

Yên bình và nhỏ nhắn, cuộc sống hàng ngày của người dân nơi đây bắt đầu từ buổi sớm khi mặt trời chưa thức giấc. Phiên chợ cá nhộn nhịp với những con thuyền chở nặng đầy, tấp nập mua bán. Buổi trưa, hãy để làn nước trong lành bao bọc lấy bạn, vỗ về và mát xa nhè nhẹ cơ thể. Bạn cũng có thể nằm dài lười biếng trên bãi biển hưởng ánh nắng sớm dịu dàng.

Bãi gần làng chài nhất là bãi Xếp, bãi biển đẹp nhất là bãi Chồng, cả hai bãi biển đều không bị các dịch vụ mua bán đồ ăn thức uống quấy rầy.

Di tích Bãi Ông là nơi cư trú của cư dân Tiền Sa Huỳnh và là di tích có niên đại xưa nhất ở Hội An (3.000 năm). Di tích Bãi Ông còn là đối tượng quan trọng để nghiên cứu về Văn hoá Tiền Sa Huỳnh ở cả miền Trung nước ta.

Di tích khảo cổ Bãi Làng cũng là một di tích quan trọng của hệ thống di tích khảo cổ Chăm Pa ở phố cổ Hội An và miền Trung. Ở đây, ngoài những hiện vật bản địa còn có nhiều hiện vật gốm, thủy tinh của Trung Đông, Ấn Độ từ thế kỷ thứ 7 đến thế kỷ thứ 10.

Một chuyến lặn biển hay đi dạo trong những khu rừng sâu thẳm, đốt những đêm lửa trại trên những bãi biển vẫn còn rất vắng người sẽ cho bạn một bữa tiệc trên biển thực sự.


Ăn uống gì ?

Đặc sản của Cù Lao Chàm là món ốc vú nàng, cua đá, mực một nắng, tôm, tôm hùm…và rất nhiều những món ăn đặc trưng của miền mệnh danh là “Thiên đường biển”

Cù Lao Chàm đặc biệt chú trọng về môi trường, nếu bạn đến với đảo, hãy cùng chung tay góp sức cho một Tại nơi đây có tiêu chí ” Hai không “ đó là “Không có rác thải” và “Túi nilon”.

Nghỉ ngơi ở đâu ?

Trên Cù Lao Chàm không có các khách sạn hay resort mà là các nhà nghỉ kiểu homestay nhưng rất thú vị với bất cứ ai muốn khám phá hòn đảo xanh xinh đẹp này. Giá dịch vụ tại nhà dân khoảng 60.000 - 70.000 đồng/người.

Hoặc có các nhà nghỉ trên bờ biển, với giá cả phải chăng, và đặc biệt có dịch vụ vui chơi, giải trí, đầy đủ tiện nghi, phục vụ cho du khách nghỉ ngơi sau khoảng thời gian “Phượt biển” mệt mỏi.

Thứ Tư, 3 tháng 7, 2013

Thỏa sức với thể thao biển Đà Nẵng

Trải nghiệm cảm giác thú vị với mô-tô nước, chèo thuyền thúng thách đấu với ngư dân hay ngắm biển trên những chiếc dù bay…, biển Đà Nẵng cứ mỗi độ vào hè lại trở nên sôi động với nhiều hoạt động thể thao.

Chuẩn bị “cất cánh” cùng dù lượn...

Quá đã!

Đó là cảm nhận của hầu hết du khách khi tham gia trải nghiệm thể thao biển ở Đà Nẵng. Hàng loạt chương trình thể thao trên biển như mô-tô nước, lướt sóng trên phao cá, phao chuối, ca-nô kéo dù bay, chèo thuyền kayak, lặn ngắm san hô… đã thực sự gây ấn tượng với những du khách ưa thích mạo hiểm và muốn tìm cảm giác mạnh. Dù mới xuất hiện trong một vài năm gần đây nhưng thể thao biển được xem là “điểm nhấn” không thể thiếu cho mùa du lịch hè của Đà Nẵng.

Đây là mùa hè thứ 5, anh Nguyễn Trọng Nhân (du khách Hà Nội) đến thành phố biển Đà Nẵng. Với anh, biển Đà Nẵng có sức cuốn hút kỳ diệu bởi nơi đây không chỉ có bãi biển đẹp mà các trò chơi thể thao biển rất hợp “gu” với anh. Trên chiếc mô-tô nước, anh Nhân thỏa sức lướt sóng hoặc thử tay đua với bạn bè hay chỉ đơn giản là chở vợ con vi vu vài vòng quanh biển. “Cứ mỗi dịp đến kỳ nghỉ hè, tôi lại đưa cả gia đình vào Đà Nẵng du lịch. Mỗi lần đến đây, tôi cảm thấy rất thoải mái và thư giãn, nhất là những môn thể thao biển đem lại cho tôi cảm giác rất thích thú để bắt đầu lại công việc bộn bề ở Hà Nội sau kỳ nghỉ”, anh Nhân chia sẻ.

Không chỉ khách nội địa mà với khách nước ngoài, biển Đà Nẵng thực sự quyến rũ họ ngay từ phút “gặp gỡ” đầu tiên. Mỗi buổi chiều sau khi nằm phơi nắng bên bờ cát, chờ nắng dần tắt, họ lại hào hứng tham gia chơi các môn thể thao biển. Trò chơi kéo phao chuối có lẽ mang lại nhiều tiếng cười nhất cho du khách nước ngoài. Đây là trò chơi thể thao cảm giác mạnh mà cũng rất vui nhộn. Du khách phải mặc áo phao rồi ngồi lên thuyền phao chuối được cột với ca-nô máy bằng một sợi dây cáp chắc chắn. Ca-nô kéo thuyền đi với tốc độ cao từ 50-80km/giờ trong sự hò reo phấn khích của những người tham gia. “Thật tuyệt! Lần sau tôi sẽ quay lại Đà Nẵng”, anh Raymond (người Anh) hào hứng.

Trong rất nhiều sản phẩm du lịch biển, có thể nói thể thao biển đầy hấp dẫn và bất ngờ khiến du khách không tiếc hầu bao chi tiêu.

Phát triển hơn nữa trong tương lai

Hiện nay, Đà Nẵng có 17 bãi biển đã được quy hoạch trải dài theo các tuyến đường Hoàng Sa, Trường Sa, Nguyễn Tất Thành, bố trí vị trí tắm biển và khu thể thao riêng biệt, rất thuận lợi cho người chơi thể thao. Theo Ban Quản lý khu du lịch Sơn Trà và các bãi biển du lịch Đà Nẵng, trong những ngày nắng nóng, có khoảng 8.000-10.000 lượt người đến biển Đà Nẵng, trong đó 30-35% là khách du lịch. Những ngày lễ, cuối tuần, con số này tăng lên gấp đôi, gấp ba. Đặc biệt, với chương trình “Đà Nẵng - điểm hẹn mùa hè” diễn ra trong khoảng cuối tháng 6, dự kiến mỗi ngày trên các bãi biển Đà Nẵng thu hút hơn 50.000 lượt người đến tắm biển và vui chơi các môn thể thao. Nhất là với môn dù lượn không động cơ lần đầu tiên được biểu diễn trong chương trình này sẽ được làm thí điểm để đưa vào hoạt động thể thao biển thời gian tới.

Hiện nay có 3 doanh nghiệp du lịch ở Đà Nẵng khai thác hoạt động thể thao biển, gồm Công ty CP du lịch Huy Khánh tại Đà Nẵng, Temple Danang và Dana Beach. Đại diện các doanh nghiệp này cho biết, mỗi ngày họ đón gần 100 lượt khách đến tham gia các trò chơi thể thao biển. Ông Lê Minh Đức, Tổng quản lý Temple Danang cho biết: “Tuy thể thao biển ở Đà Nẵng không phát triển mạnh như Phan Thiết, Nha Trang, Vũng Tàu nhưng trong tương lai sẽ là một sản phẩm du lịch thu hút khách. Cái được ở Đà Nẵng là môi trường du lịch thân thiện và sự quan tâm của chính quyền địa phương đã tạo động lực cho doanh nghiệp chúng tôi mạnh dạn đầu tư”.

Tháng 5 vừa qua, UBND thành phố đã đồng ý cho phép Sở VH-TT&DL tổ chức thí điểm hai vị trí đón khách tham gia hoạt động thể thao biển bao gồm: bãi biển khu vực nút giao thông Võ Văn Kiệt - Hoàng Sa và bãi biển khu vực nút giao thông Nguyễn Văn Thoại - Trường Sa. Việc đưa vào thí điểm hai vị trí đón khách này sẽ giúp hoạt động thể thao biển được quy hoạch cụ thể hơn. “Ở nhiều nơi, thể thao biển phát triển tràn lan, khu vực thể thao và tắm biển xen kẽ nhau thường gây nên cảnh lộn xộn. Riêng Đà Nẵng lại có cách làm hay, chỗ nào tắm biển ra tắm biển, chơi thể thao ra thể thao, có quy định cụ thể cả”, ông Trần Thanh Thiên, Giám đốc Điều hành Dana Beach chia sẻ.

Theo đại diện các doanh nghiệp, khó khăn lớn nhất là chi phí bảo quản các vật dụng khá cao vì thể thao biển chỉ khai thác được trong mùa hè, còn mùa mưa hầu như để không. Vì vậy, thể thao biển mới chỉ được xem như là một dịch vụ “kèm theo” để các doanh nghiệp kinh doanh nhà hàng, khách sạn ven biển.

Dù chỉ mới đưa vào khai thác trong vòng vài năm trở lại đây nhưng thể thao biển hứa hẹn là sân chơi thu hút khách du lịch đến với Đà Nẵng trong tương lai.
Theo BaoDaNang

Thứ Hai, 1 tháng 7, 2013

Giới thiệu về tiềm năng du lịch Sơn Trà

Giới thiệu về tiềm năng du lịch Sơn Trà
Sơn Trà
là một đặc ân mà thiên nhiên đã hào phóng ban tặng cho Đà Nẵng. Đứng bất cứ ở đâu trên đất Đà Nẵng đều có thể nhìn thấy ngọn núi này. Trong dáng nhoài người vươn ra biển, Sơn Trà là một bức bình phong khổng lồ che chắn bão giông cho thành phố.


Nằm cách trung tâm thành phố 10 km về phía Đông Bắc, bán đảo Sơn Trà với độ cao 693 m so với mực nước biển; giống hình một cây nấm, đầu nấm là núi Sơn Trà và thân nấm là bãi cát bồi, lắng đọng, tạo nên những bãi cát vàng đẹp đẽ, trong lành. Đây còn là một khu bảo tồn thiên nhiên đa dạng và phong phú, được bảo vệ theo chế độ rừng cấm quốc gia, nổi tiếng là nơi có thảm thực vật đặc sắc với nhiều loại thú rừng quí hiếm như hươu, nai, khỉ, vượn, đười ươi, voọc chà vá, gà mặt đỏ... cảnh vật thiên nhiên nơi đây rất quyến rũ; dân gian đồn rằng các vị tiên từ trên trời thường chọn bãi cát nơi đây để giáng trần, ca múa, đánh cờ với nhau... nên còn có tên là Tiên Sa.


Trên đỉnh Bàn Cờ - Sơn Trà, du khách vừa tận hưởng không khí mát dịu, trong lành của biển và núi, vừa phóng tầm mắt ra xa, toàn cảnh thành phố Đà Nẵng, Ngũ Hành Sơn, rặng Bà Nà - Núi Chúa... như thu gọn vào trong tầm mắt của mỗi người.
Và cũng tại đây, du khách có thể đếm thăm con suối Đá thơ mộng bên chân núi, hòa mình vào dòng nước mát lạnh của biển, ngắm nhìn những bãi cát vòng quanh bán đảo sạch sẽ và mịn màng, nước triều đều đặn lên xuống hàng triệu năm bào mòn và lau sạch bóng những tảng đá chồng chất ven bờ, dừng chân tại Bãi Bụt yên tĩnh với những khu nhà nhỏ xin xắn để nghe sóng vỗ hoặc dõi theo cánh bay của những con chim yến đã đi làm tổ hướng về các bờ đá chênh vênh.


Và ngay dưới chân núi, với những bãi san hô tuyệt đẹp, đầy màu sắc sẽ là nơi lý tưởng để phát triển các loại hình du lịch lặn biển.
Với mục đích đưa bán đảo tuyệt đẹp này phục vụ ngày một nhiều hơn cho du lịch, chính quyền thành phố đã tiến hành quy hoạch lại khu vực này với nhiều khu du lịch mới đã và đang được xây dựng như: Bãi Rạng, Bãi Nồm, Bãi Nam... dọc con đường lớn ven theo sườn núi. Tại đây, sẽ mọc lên những khu nghỉ dưỡng cao cấp và hàng ngàn biệt thự sang trọng để chúng ta cò dịp đắm mình vào một không gian tuyệt đẹp của trời, mây, non, nước.

Hùng vĩ mà lãng mạn, phóng khoáng mà tươi đẹp, một ngày ở Sơn Trà ta sẽ được chìm đắm trong vẻ huy hoàng bình minh và sự lặng lẽ hoàng hôn của một vùng bán đảo sơn thủy hữu tình. Và đấy cũng là những lúc chắc chắn ta sẽ nhận ra giá trị của từng khoảnh khắc sống và tiếng nói đích thực của lòng mình.

Xem thêm tại http://dulichsontra.com